Chi phí xây dựng vượt hạn mức do dịch bệnh

Dịch bệnh kéo dài đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu và ký kết hợp đồng.

Từ cuối tháng 6 đến nay, với việc nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thi công các công trình xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đa số các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đều ban hành các văn bản dừng thi công. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội và ngừng thi công kéo dài tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và việc giải ngân vốn đầu tư công; ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh vốn đầu tư; kế hoạch đầu tư cho từng dự án để bảo đảm thực hiện chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế.

Hiện một số địa phương đã cho phép tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm, cấp bách nhưng không có quy định riêng về điều kiện hoặc nguyên tắc xác định các công trình được phép tiếp tục thi công. Điều này cũng đang tạo ra những khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng. Theo đó, một số công trình xây dựng do các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành đầu tư xây dựng tại các địa phương phục vụ mục đích chống lũ trong mùa mưa bão cũng bị đình trệ.

Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, việc cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị không phải là các dịch vụ thiết yếu không thể vận chuyển đến công trường. Đặc biệt, một lượng lớn công nhân do tình hình dịch bệnh đã di chuyển về quê, cồn các chuyên gia nước ngoài do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển cũng không sang Việt Nam được đã khiến cho ngành xây dựng thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình.

Cùng đó, chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, cũng như những chi phí phát sinh khác; thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án.

Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tang hoặc giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ.

Những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.

Để tháo gỡ các vướng mắc này và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đã khẩn trương nghiên cứu và ban hành Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 1/3/2021, hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch, hướng dẫn nêu trên có thể tham khảo và áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Để đáp ứng yêu cầu tính cấp bách trong xây dựng bệnh viện dã chiến sử dụng vốn đầu tư công và đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được quy định tại các pháp luật khác nhau về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế xây dựng Bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch theo Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, hiện nay Bộ Xây dựng đã có văn bản số 3663/BXD-HTKT ngày 9/9/2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ để xây dựng Nghị quyết Cơ chế đầu tư xây dựng công trình phục vụ phòng chống dịch.

Bộ đã Ban hành văn bản hướng dẫn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 tăng cường phòng chống dịch trên công trường xây dựng, đưa ra nguyên tắc để xác định các công trình được tiếp tục thi công xây dựng và phòng, chống dịch trên công trường xây dựng để triển khai áp dụng. Hướng dẫn duy trì dịch vụ sửa chữa hệ thống điện, nước trong nhà trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội.

Bộ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Bộ trưởng trực tiếp làm tổ trưởng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Ngay trong tháng 10 này, Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam đã được Bộ Xây dựng tổ chức trong Chương trình của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch.

(Theo VLXD.org)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *